Phát triển thương mại điện tử: không dễ!

Mua sắm qua mạng đã trở thành phổ biến ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam còn quá nhiều rào cản.

Một cuộc điều tra trên 1600 doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) năm 2008 vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy: 100% doanh nghiệp có máy tính, 99% kết nối internet, 88% xây dựng mạng nội bộ và 45% có website.

Tỷ lệ website được cập nhật thường xuyên và có chức năng đặt hàng trực tuyến tăng nhanh, song những e ngại về rủi ro đang làm cản trở sự phát triển phương thức kinh doanh này.

Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), nhu cầu tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm của người sử dụng internet rất cao, lượng truy cập vào các trang website mua sắm và giới thiệu sản phẩm cũng tăng khá nhanh, song phần đông người tiêu dùng vẫn chỉ sử dụng website như công cụ tham khảo và so sánh giá mà chưa hăng hái mua hàng trực tuyến.

Rào Cản Tâm Lý

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang ở vào giai đoạn bắt đầu phát triển mua sắm qua mạng, vì vậy điều quan trọng là tất cả những người bán hàng phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng dịch vụ sau bán hàng.

Tại châu Âu, châu Mỹ và các nước phát triển, người bán hàng thuyết phục người tiêu dùng bằng cách chấp nhận đổi hàng hoá, sản phẩm cho người tiêu dùng trong vòng 30 ngày sau khi mua.

Còn tại Việt Nam, người mua và người bán vẫn thực hiện theo phương thức “tiền trao cháo múc” và mua bán xong là thôi nên người tiêu dùng rất lo ngại mua phải sản phẩm không dùng được hoặc chất lượng không đạt như mong muốn.

Cho nên, bán hàng qua mạng mặc dù tiết kiệm được cho người tiêu dùng nhưng vấn đề mấu chốt là chất lượng sản phẩm có đảm bảo hay không, bởi người bán hàng trên mạng không quyết định được vấn đề này mà phải là người sản xuất chịu trách nhiệm cuối cùng với người tiêu dùng.

Ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cho rằng: các website phải tạo ra mô hình mua bán có độ an toàn cao, các dịch vụ theo sau phải chu đáo, tạo nên sự thân thiện và dễ dàng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá cả cạnh tranh là yếu tố quyết định để kéo được nhiều người đến với việc mua hàng trực tuyến.

Vẫn Còn Vướng

Ngoài rào cảm lớn như trên đã đề cập ở trên là tâm lý dùng tiền mặt, trao hàng trực tiếp thì trong TMĐT ở Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc mà không phải mong muốn chủ quan của Bộ Công thương là có thể vượt qua ngay được.

Vướng mắc về giấy tờ thanh toán với yêu cầu hoá đơn đỏ, chữ ký, con dấu tươi trong phương thức thanh toán truyền thống đã được các chuyên gia TMĐT nhắc đến như một lý do tiên quyết.

Theo kết quả điều tra có tới 74,1% doanh nghiệp sử dụng hình thức thanh toán là khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng, 74,8% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng và chỉ có 25% doanh nghiệp thanh toán bằng chuyển tiền qua bưu điện.

Mặc dù từ năm 2007 đến nay, hàng loạt các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ra đời và phát triển, nhưng tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn cao và tỷ lệ thanh toán trực tuyến vẫn còn thấp. Tỷ lệ 35% doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán trực tuyến là rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới và yêu cầu thanh toán của TMĐT.

Để có thể tiến hành một chu trình TMĐT trọn vẹn từ khâu đặt hàng, giao hàng đến khau thanh toán, ngoài sự thống nhất giữa các bên tham gia giao dịch còn cần những quy định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về việc tiếp nhận và xử lý các hoá đơn, chứng từ điện tử phát sinh từ giao dịch này.

Thay vì các mẫu hoá đơn in sẵn như hiện nay sẽ là hoá đơn tự in từ hệ thống quản lý nội bộ doanh nghiệp hoặc các chứng từ điện tử được gửi, nhận và lưu trữ trong hệ thống thông tin của từng bên tham gia giao dịch.

Để những chứng từ này có giá trị sử dụng thực tế đối với nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp thì ngoài sự thừa nhận chính thức của Nhà nước về giá trị pháp lý còn cần sự thay đổi tương ứng trong các quy định về hoá đơn chứng từ của hệ thống pháp luật tài chính hiện hành.

Giao hàng là khâu cuối cùng song cũng không kém phần quan trọng trong quy trình kinh doanh TMĐT. Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy có 55,4% doanh nghiệp có đội ngũ giao hàng, 49,9% doanhnghiệp để người mua đến nhận hàng, 25,8% doanh nghiệp thành lập đại lý giao nhận và 12,8% giao hàng qua đường bưu điện. Có thể thấy, dịch vụ giao nhận của các doanh nghiệp vẫn tập trung vào tự tổ chức hoặc người mua đến nhận hàng, rõ ràng rất thiếu tính chuyên nghiệp, bất tiện khiến người mua cảm giác mua hàng qua TMĐT không khác bao nhiêu với cách mua hàng truyền thống.

Và những vướng mắc này cũng sẽ không dễ vượt qua nếu chúng ta tiếp tục trì trệ chậm thay đổi.

“Tại các nước trên thế giới, doanh nghiệp bán hàng qua mạng với giá rẻ hơn so với các kênh mua hàng khác vì họ đã khẳng định được uy tín trong bán hàng và coi mảng phân phối qua internet đóng vai trò quan trọng, chi phí thấp. Để làm được điều này, doanh nghiệp nước ta cần phải thay đổi phương thức bán hàng bằng cách gây dựng uy tín cho chính mình.”- Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink, nói.

Theo VNTrades.com

Vé máy bay Cây Trâm SEO, Quang cao Google Adwords

© Bản quyền của Công Ty TNHH DV TM CNTT Giải Pháp Thông Minh. Mọi quyền được bảo lưu.

Công Ty TNHH Dịch Vụ Thương Mại Công Nghệ Thông Tin Giải Pháp Thông Minh

Địa chỉ: 22/18 Phan Huy Ích, Khu Phố 6, Phường 12, Gò Vấp, HCM

Số ĐKKD: 0310229209 - Cấp ngày: 7/9/2010 - Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Đầu Tư TP HCM

Người đại diện: Lê Trung Thu - 0935526220