Ai cũng đều biết chứ tín quan trọng như thế nào trong KD. Người xưa vẫn thường nói “một lần mất tin bằng vạn lần bất tín”, đâu phải đơn giản mà người đời đúc rút ra được những câu nói thâm thuý như vậy.
Trong mọi mối quan hệ nhỏ như giữa các cá nhân, lớn như giữa các quốc gia, khởi đầu để bắt tay nhau là lòng tin (thông qua những thông tin, biểu hiện, những gì thực có được cảm nhận tích cực…) và kết thúc từng việc là lòng tin ban đầu đó được củng cố nhân lên, gọi là uy tín (hoàn thành tốt các cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm xuyên suốt trong quá trình hiệp tác).
Các doanh nghiệp luôn muốn gây dựng lòng tin đối với các đối tác và khách hàng của mình. Thực tiễn chứng tỏ tại nhiều nước cho dù phát triển như Nhật Bản hay tại các nước kém phát triển hơn như Trung Quốc và Việt Nam, lòng tin có vai trò vô cùng to lớn trong việc khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, đó chính là nhãn hàng vô hình, là uy tín tối thượng của doanh nghiệp.
Người Nhật Bản thường nói: lợi nhuận chính là thước do về uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời nhờ xây dựng được lòng tin với khách hàng và việc kinh doanh diễn ra xuôn xẻ ổn định, không những thế giảm được đáng kể các chi phí cơ hội, thậm chí các chi phí trực tiếp trong giao dịch. Công ty Trách nhiện Hữu hạn vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội có triết lí kinh doanh: "giữ tín nhiệm hơn giữ vàng" như biểu tượng về văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp mà doanh nghiệp muốn thực hiện nó, muốn nó đi vào lòng khách hàng của mình như một dấu ấn riêng khi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho họ. Không ai muốn người khác thấy mình là giả dối, mọi hình thức che đậy bề ngoài sẽ bị rách nát, méo mó, bệnh hoạn bởi cái cốt lõi là sự giả dối. Không ai muốn sở hữu những giá trị giả.

Xây dựng lòng tin trong kinh doanh phải xuất phát từ tinh thần văn hóa, thể hiện ở chỗ nỗ lực bảo vệ uy tín, thương hiệu trong giao dịch và sản xuất kinh doanh: cố gắng đem cái tốt nhất của mình cống hiến cho khách hàng; Lấy điều mình mong muốn mà cư xử với khách hàng; Triệt để trong kinh doanh, không chấp nhận sự nửa vời của chính mình, theo đuổi phương châm xử thế văn hóa tới cùng để đạt được mục đích.
Ví dụ điều xảy ra tại một cửa hàng ăn uống: một thanh niên bụi bặm bước vào, anh ta sỗ sàng kéo ghế ngồi và gọi nhân viên phục vụ đến bằng giọng nói chỏng lỏn, thiếu văn hóa. Cô nhân viên đến và lịch sự hỏi anh ta muốn dùng gì. Anh ta bằng giọng nói gay gắt hơn, trịch thượng mắng mỏ cô nhân viên là chậm trễ và chậm hiểu. Cô nhân viên vẫn lịch sự lắng nghe, và hỏi han anh ta. Anh thanh niên kia sau một hồi đối đáp gắt gỏng câu đi câu lại vẫn nhận được sự từ tốn lịch sự của cô nhân viên chợt bừng tỉnh và thấy xấu hổ với hành vi, lời nói thô lỗ của mình và ngay sau đó sẽ tự điều chỉnh lại mình.
Giả sử cô gái phục vụ không đủ sức kiên trì lịch sự, đến lúc nào đấy thấy anh ta không xứng đáng với sự tử tế lịch sự của mình bèn quay ra đối đáp với anh ta bằng chính cái cách mà anh ta đã dùng để đối xử với mình. Tình hình chắc sẽ diễn biến phức tạp khác hẳn.
Nhưng để rõ hơn và tránh cái điều như trong ứng xử vẫn gặp phải, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng sự lịch sự phải để cho khách hàng của mình hiểu và thấy là họ được nâng lên tầm cao ứng xử mới chứ không phải là để chứng tỏ bạn hơn hẳn họ.
Theo Vietnamtoday